16 năm về với thành phố Vinh, xã Nghi Ân mới chỉ có 42/2346 hộ dân được dùng nước máy!
Admin Xã Nghi Ân
Published: 9/20/24 - Modified 3 Months ago.
View with size
Speak
content:
(Nguồn: Phóng viên Nhật Lân • Báo Nghệ An)
Dù hệ thống hạ tầng nước sạch được đầu tư hoàn thành từ đầu năm 2024 với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, nhưng đến nay trong 2.346 hộ dân xã Nghi Ân (TP. Vinh) mới chỉ có 42 hộ được sử dụng nước máy! Đây là thông tin từ UBND xã Nghi Ân.
Người dân bất an
Xóm Kim Chi cùng hộ gia đình ông Lê Văn Sáu là những địa chỉ lãnh đạo xã Nghi Ân giới thiệu chúng tôi đến tìm hiểu về thực trạng “khát” nước sạch sinh hoạt. Sở dĩ vậy vì làng hoa cây cảnh nổi tiếng Kim Chi có nhiều người không may mang bệnh ung thư hiểm nghèo; và gia đình ông Lê Văn Sáu là một trong vài chục hộ không còn phải sử dụng nước ngầm.
Như lời Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, ông Chu Văn Mai: “Nước sạch là nhu cầu rất bức thiết của dân. Từ khi các hệ thống đường ống cấp nước được đầu tư hoàn chỉnh, xã đã nhiều lần làm việc với các bên liên quan nhưng tỷ lệ hộ dân có nước sạch để sử dụng vẫn rất thấp. Dù đã cố gắng nhưng chúng tôi thấy có lỗi với người dân khi thất hứa.
Xóm Kim Chi, và một số xóm đã có nhiều người mang bệnh ung thư; như trường hợp gia đình ông Sáu, sở dĩ có nước sạch sinh hoạt nhờ thường xuyên lên mạng xã hội kêu cứu…”.
Ông Lê Văn Sáu (từng là Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế, sống tại xóm Kim Chi) cùng gia đình trở thành công dân xã Nghi Ân năm 2011. Sống tại đây, biết về lịch sử vùng đất và đời sống việc làm của người dân Nghi Ân thì ông không yên tâm với chất lượng nguồn nước ngầm của gia đình.
Vì vậy, ông đã mua bút thử TDS để kiểm tra chỉ số tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước ngầm. Và rồi với chỉ số đo được dao động từ 300 - 500mg/lít tùy theo thời tiết, đã khiến ông vô cùng lo lắng. Để rồi hàng ngày thì dành thời gian đến nhà người thân ở xã Nghi Phú xin nước máy về dùng. Ròng rã 12 năm trời như vậy, đến ngày 8/3/2024, gia đình ông Sáu được sử dụng nước máy của Công ty CP Cấp nước Nghệ An.
Kể về cái sự “được” sử dụng nước máy, ông Lê Văn Sáu bắt đầu từ việc được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Kim Chi sau khi nghỉ hưu. Trong 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ, 3 vấn đề gồm điện - đường - nước sạch sinh hoạt khiến ông có nhiều trăn trở. Riêng với vấn đề nước sạch, theo ông Sáu, Nghi Ân xa xưa là vùng đất chịu nhiều bom đạn, ngày nay bà con làm nghề trồng hoa cây cảnh phải sử dụng nhiều loại hóa chất, như thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng…
Ông suy nghĩ, tồn dư các chất độc hại đi đâu? Và tự trả lời, đương nhiên sẽ thẩm thấu vào mạch nước ngầm, dù có lắng lọc rất khó triệt để rất ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thế nên để vấn đề nước sạch ở Nghi Ân được quan tâm, ông đã “kêu” bằng nhiều hình thức, gồm cả thông tin lên mạng xã hội Facebook. “Tôi đã nhiều lần có ý kiến tại các diễn đàn của xã, viết đơn kiến nghị đến chính quyền, HĐND các cấp, một số sở ngành; trả lời phỏng vấn của báo chí… chứ không chỉ viết trên Facebook. Về việc của gia đình, sau khi hệ thống đường ống dẫn nước lắp đặt vào đến nhà dân, tôi nộp hồ sơ gửi lên Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Sau một thời gian dài không có hồi âm, tôi chủ động gọi điện lên Công ty thì mới thấy có người về lắp đặt để có nước máy sử dụng…” - ông Lê Văn Sáu trao đổi.
Và để chứng thực nước ngầm ở Nghi Ân có dấu hiệu ô nhiễm, ông Lê Văn Sáu dùng bút thử TDS đo chỉ số nước ngầm của gia đình mình và thêm 4 gia đình khác trong xóm. Kết quả, mẫu nước của gia đình ông Sáu có chỉ số 258mg/lít; 4 mẫu còn lại, có một mẫu 178mg/lít, 3 mẫu từ 330 - 375mg/lít. Theo ông Sáu, nước có chỉ số từ 0 - 170mg/lít thì có thể sử dụng trong ăn uống, từ 170 - 300mg/lít thì sử dụng sinh hoạt, còn từ 300mg/lít trở lên thì không nên sử dụng.
Những gia đình có chỉ số nước ngầm trên 330mg/lít cho biết, họ đều lắp đặt hệ thống lọc để sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt. Dẫu vậy, họ lo cho sức khỏe và mong sớm được sử dụng nước máy. Như ông Đặng Minh Mão trao đổi: “Đường ống đã được đấu nối vào nhà, hồ sơ chúng tôi cũng đã nộp, cần sớm thực hiện các bước tiếp theo để chúng tôi được sử dụng nước máy…”.
Lực bất tòng tâm
Để người dân xã Nghi Ân có nước máy sử dụng, từ tháng 12/2019, UBND thành phố Vinh đã đầu tư 3 dự án xây dựng hệ thống đường ống cấp nước với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Đến đầu năm 2024, hệ thống đường ống nước được lắp đặt đến tất cả 2.346 hộ gia đình xã Nghi Ân, đồng thời, được đấu nối với đường ống do Công ty CP Cấp nước Nghệ An quản lý.
Vào tháng 8/2023, khi 2 dự án đường ống cấp 2 do UBND xã Nghi Ân làm chủ đầu tư hoàn thành, cũng là thời điểm chính quyền xã và ban cán sự các xóm thông báo để các hộ dân đăng ký sử dụng nước máy, hướng dẫn họ làm hồ sơ theo mẫu của Công ty CP Cấp nước Nghệ An cung cấp. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 42 hộ dân xã Nghi Ân được đấu nối, sử dụng nước máy.
Như với xóm Trung Tâm, theo xóm trưởng Trần Văn Phượng cho biết, có hơn 100 hộ đăng ký, đã lập hồ sơ gửi lên Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Tuy nhiên đến nay chưa có hộ dân nào được đấu nối sử dụng nước máy.
Ông Phượng lấy ra bản danh sách các hộ dân đã nộp hồ sơ có xác nhận của cán bộ Công ty CP Cấp nước Nghệ An, rồi nói: “Ở Nghi Ân, mọi tiêu chí đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chỉ duy nhất tiêu chí nước sạch chưa đạt. Nước ngầm ở đây nhìn mắt thường thì rất trong, nhưng không đảm bảo. Gia đình tôi đã thực hiện lọc nước qua hai hệ thống máy lọc mới sử dụng trong ăn uống, thế nhưng vẫn không yên tâm.
Gần đây đã có vài trường hợp mắc bệnh ung thư. Vì đã nhiều năm chờ đợi nước máy, vì lo lắng cho sức khỏe nên người dân rất bức xúc. Được tham gia nhiều cuộc họp, tôi biết xã đã rất cố gắng, nhưng hiểu là lực bất tòng tâm…”.
Ở xóm Kim Chi, theo xóm trưởng Lê Tiến Dũng, cuối năm 2023 ông trực tiếp nộp 73 hồ sơ lên Công ty CP Cấp nước Nghệ An nhưng chưa có hộ dân nào trong đó được sử dụng nước máy. Một trong những nguyên nhân ông Dũng đề cập là phía Công ty yêu cầu người dân phải bổ sung vào hồ sơ bản phô tô Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có công chứng.
Tuy nhiên, hầu hết các hộ ở xóm Kim Chi đều thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngân hàng để vay vốn làm ăn nên đang gặp khó khăn.
Ông Dũng nói: “Xóm Kim Chi có nhiều hộ quan tâm đến vấn đề nước sạch. Nhưng vì thấy những hộ đã hoàn thành hồ sơ cũng chưa được đấu nối sử dụng nước sạch, rồi lại bị yêu cầu bổ sung bản phô tô Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có công chứng nên họ nản. Vì vậy tôi mong vấn đề này được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho người dân…”.
Ngày 17/9/2024, UBND xã Nghi Ân có Báo cáo số 474/BC-UBND báo cáo tiến độ hợp đồng cấp nước cho các hộ dân lên UBND thành phố Vinh. Tại đây, UBND xã Nghi Ân khẳng định “nhu cầu cần cấp nước sạch đang rất bức thiết và nhân dân kiến nghị nhiều lần”. Đồng thời báo cáo: “Tháng 3/2024 Chủ tịch UBND xã đã làm việc trực tiếp với Ban Giám đốc nhà máy nước, tuy nhiên đến nay việc đấu nối nước sinh hoạt cho nhân dân chưa được cải thiện, hiện mới đấu nối được 42/2.346 hộ, trong khi số lượng đăng ký hơn 1.300 hộ. Ngày 29/5/2024, UBND xã Nghi Ân đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Trong cuộc họp, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An có cam kết đến hết tháng 12/2024 sẽ làm hợp đồng, lắp đặt cấp nước cho 1.420 hộ dân (khoảng 60% tổng số hộ trên toàn địa bàn). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có hộ dân nào được lắp đặt thêm”. Và đề nghị UBND thành phố “có biện pháp giúp xã Nghi Ân để nhân dân sớm ổn định nguồn nước, phục vụ đời sống, hạn chế thấp nhất người mắc bệnh vì ô nhiễm nguồn nước...”.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Được biết HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch số 270/KH-HĐND.TT ngày 13/8/2023, dự kiến sẽ tổ chức phiên giải trình 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, sẽ thực hiện giải trình về công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch (nước sạch đô thị và nước sạch nông thôn) trên địa bàn tỉnh....
Liên quan vấn đề ngày, PV Báo Nghệ An đã liên hệ Phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Vinh để nắm bắt thêm thông tin về vấn đề nước sạch trên địa bàn xã Nghi Ân.
Theo cán bộ của Phòng Quản lý đô thị, việc UBND thành phố yêu cầu xã Nghi Ân báo cáo tiến độ hợp đồng cấp nước cho nhân dân; đồng thời, báo cáo các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất là nhằm có cơ sở làm việc với các bên liên quan tìm giải pháp giải quyết dứt điểm. Ông này nói: “Đây là nội dung thành phố quan tâm giải quyết. Việc đầu tư hàng chục tỷ đồng từ ngân sách hoàn thiện hạ tầng nước sạch nhưng mới chỉ có vài chục hộ dân được sử dụng nước máy là rất bất hợp lý…”.
Liên hệ ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh, được trao đổi rằng ông đã nắm bắt các thông tin liên quan. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Lê Sỹ Chiến nói: “Trong tháng 9 thành phố sẽ tổ chức họp về nội dung này. Thành phố sẽ mời Công ty CP Cấp nước Nghệ An và một số Sở, ngành liên quan cùng họp để tháo gỡ các vấn đề vướng mắc…”.