Với mục tiêu đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là giải pháp quan trọng, tạo nên những động lực và sức bật trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Nghi Ân.
Năm 2024, để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, UBND, hội Nông dân xã Nghi Ân lựa chọn hộ dân để xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. Xã Nghi Ân với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp từ chăn nuôi, trồng trọt, tuy vậy để lựa chọn được sản phẩm cũng như hộ dân đồng hành trong việc xây dựng sản phẩm OCOP ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn.
Nghi Ân là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều yếu tố về thời tiết, đât đai, kỹ thuật canh tác, vì vậy để chủ động trong sản xuất với những điều kiện bất lợi đó cần áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại. Đồng thời cần ưu tiên các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao. Năm 2023, tại hộ anh Lương Hải Du xóm Hòa Hợp xã Nghi Ân bắt đầu trồng dưa lưới công nghệ cao là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại nhất từ trước đến nay trên địa bàn xã cũng là hướng đi đúng đắn cho sản xuất nông nghiệp. Năm đầu tiên gia đình anh xây dựng 600m2 nhà màng, sản xuất giống dưa Huỳnh Long, lứa dưa đầu tiên được thu hoạch do chưa có các mối tiêu thụ ổn định nên đã được UBND xã, Hội nông dân xã tổ chức cho anh tham gia hội chợ do UBND thành phố Vinh tổ chức tại phố đêm Cao Thắng thành phố Vinh.
Bước đầu được nhiều người tiêu dùng đón nhận và đánh giá chất lượng sản phẩm dưa tốt.
Cũng trong năm 2023 anh được UBND xã lập danh sách để tham gia các lớp tập huấn về xây dựng sản phẩm OCOP do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tổ chức tại thị xã Cửa Lò.
Với thành công bước đầu, Năm 2024, anh tiếp tục mở rộng diện tích thêm 900 m2 để sản xuất với mong muốn xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Trước đây, trên địa bàn xã người dân cơ bản sản xuất các loại rau màu theo hướng quảng canh, chịu sự tác động của thời tiết rất lớn nên năng suất kém, mẫu mã không đẹp, chưa tạo ra được cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Bà con dần dần không mặn mà với ruộng đồng hoặc chỉ trồng để phục vụ nhu cầu cho gia đình. Xây dựng nhà màng công nghệ cao đã giúp cho người nông dân canh tác mà không sợ ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, tạo ra sản phẩm có năng suất và an toàn vượt trội so với canh tác bên ngoài thiên nhiên.
Dưa lưới DU LƯƠNG được áp dụng trồng theo quy trình hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, xuống cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi đưa vào thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa và vỏ lạc thu mua từ địa phương đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất. Nguồn nước tưới cho cây cũng phải đảm bảo sạch. Mỗi vụ dưa kéo dài từ 60 – 70 ngày, để có được những quả dưa tròn đều, ngay từ khâu thụ phấn cần khéo léo, đúng kĩ thuật xoay hoa. Khi quả lớn hơn quả trứng gà, tiến hành chọn lọc, tỉa quả, mỗi dây dưa chỉ để một quả. Chính vì vậy các trái dưa lưới khi thu hoạch của trang trại đều đạt kích thước đồng đều từ 1.2 – 2.2 kg, quả tròn đẹp. Sản phẩm dưa lưới của của cơ sở đang được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm dưa lưới của Hộ kinh doanh LƯƠNG HẢI DU.
Với hương vị ngọt, giòn, thơm mát sản phẩm Dưa lưới DU LƯƠNG của Hộ kinh doanh LƯƠNG HẢI DU đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng vươn rộng ra thị trường các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Dưa lưới DU LƯƠNG đã chuyển giao công nghệ mở rộng quy mô tạo điều kiện cho nhiều người dân có cơ hội làm giàu ngay trên chính đất quê. Từ một người nông dân lam lũ, hôm nay trong công cuộc xây dựng đổi mới người nông dân Nghi Ân đang nỗ lực không ngừng mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tiên tiến từ tâm của người sản xuất, góp sức mình xây đắp quê hương ngày một mạnh giàu.
Việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông trên địa bàn xã. Đây là cơ hội giúp nông dân, các Hợp tác xã học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Được sự hướng dẫn của UBND xã Nghi Ân, gia đình anh đã hoàn thành các nội dung của hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP do UBND thành phố Vinh tổ chức vào ngày7/6/2024. Đến nay hộ sản xuất đã có giấy chứng nhận sản phẩm dưa lưới trồng theo công nghệ cao đạt chuẩn OCOP được xếp hạng 3 sao, sản phẩm dưa lưới Du Lương, theo Quyết định số 2946/QĐ-UBND ngày14/6/2024 của UBND thành phố Vinh, có công bố chất lượng số 01:2024/LHD, có truy xuất nguồn gốc và tem nhãn được đăng ký theo đúng quy định. Có giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng: số 13/GXN-SNN ngày 6 tháng 6 năm 2024 do Sở nông nghiệp và PTNN tỉnh Nghệ An cấp, có mã số vùng trồng là: VN -40 412-17914-13-24.
Đây cùng là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Nghi Ân, góp phần trong hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã trong năm 2024.
Xã Nghi Ân với đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp, trong thời gian tới UBND xã và Hội nông dân sẽ hỗ trợ hướng dẫn cho nhiều hộ dân tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp xã nhà./.
Bài viết của Nguyễn Thị Hiến, cán bộ Khuyến nông - UV Ban thường vụ Hội nông dân xã Nghi Ân, Thành phố Vinh, Nghệ An. Đt 0982 167 066